Virus cúm A H1N1 khiến 50 người mắc và 2 trường hợp tử vong nguy hiểm như thế nào?

Virus cúm A H1N1 dễ dàng lây lan từ người sang người qua không khí do vậy rất dễ gây thành đại dịch. Tìm hiểu bệnh do virus cúm A H1/N1 gây ra có triệu chứng như thế nào và làm sao để phòng ngừa.

2 người chết vì cúm A H1N1
Theo thông tin mới nhất ngày 13/11, Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum đã ghi nhận 50 trường hợp dương tính với virus cúm A H1N1, trong số này đã có 2 người tử vong.
Trường hợp mới đây nhất, nam bệnh nhân N.N.T (50 tuổi, trú thị trấn Đắk Tô, huyện Đắk Tô, Kon Tum) nhập viện ngày 5/11 với các triệu chứng bệnh não gan/xơ gan child C do viêm gan virus c và viêm phổi cộng đồng. Bệnh nhân tử vong vài ngày sau khi nhập viện và nguyên nhân được xác định là do virus cúm A H1/N1.
Virus cúm A H1N1 khiến 50 người mắc và 2 trường hợp tử vong nguy hiểm như thế nào?
Ảnh minh họa
Đáng nói, bệnh nhân này là 1 trong số 44 người từng tiếp xúc với ni cô N.T.T (37 tuổi, chùa Pháp Hoa, TP Kon Tum) đã tử vong hôm 8/11 do mắc cúm A H1N1. Trước đó, ni cô này khởi phát bệnh hôm 25/10 với biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn. Dù đã được điều trị tại phòng mạch tư nhân ở địa phương nhưng không khỏi, bệnh nhân sau đó được chuyển lên bệnh viện tỉnh. Ngày 6/11, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên khẳng định mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân dương tính với cúm A/H1N1 và bệnh nhân tử vong sau 5 ngày điều trị.
Kể từ khi phát bệnh, đã có 44 trường hợp được xác định tiếp xúc với bệnh nhân N.T.N. Cụ thể, 14 người sống chung với bệnh nhân ở chùa Pháp Hoa, 3 người nhà của bệnh nhân, 24 cán bộ y tế trực tiếp thăm khám điều trị cho bệnh nhân và 3 người bệnh nằm điều trị cùng phòng.
Trong số này, ông N.N.T (50 tuổi, cùng nằm điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc – BV Đa khoa tỉnh Kon Tum với ni cô N.T.T) được phát hiện dương tính với cúm A/H1N1. Những người tiếp xúc với ni cô N.T.T. sau đó đã được cấp thuốc kháng virus Tamiflu điều trị dự phòng.
Virus cúm A H1N1 lây lan như thế nào?
Bệnh cúm A H1N1 lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam vào năm 2009. Hiện nay đây là một trong số các chủng virus cúm lưu hành phổ biến ở Việt Nam.
Tương tự như các virus cúm khác, cúm A H1N1 có thể dễ dàng lây lan từ người sang người qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện làm văng các hạt nước bọt li ti chứa virus ra không khí, người khỏe mạnh hít phải sẽ bị nhiễm virus. Con người cũng dễ nhiễm virus gây bệnh qua tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt đồ dùng chứa virus rồi đưa lên mắt, mũi, miệng… Đặc biệt, nguy cơ nhiễm bệnh rất cao khi dùng chung đồ dùng cá nhân như uống chung ly nước, dùng chung khăn mặt, bàn chải đánh răng với người bệnh…
Virus cúm A H1N1 khiến 50 người mắc và 2 trường hợp tử vong nguy hiểm như thế nào?
Theo Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế: Đặc điểm của virus cúm A H1N1 là dễ lây lan nên rất nhanh chóng gây thành đại dịch. Người bệnh có khả năng lây virus cho người khác trước 1 ngày khởi bệnh và kéo dài khoảng 7 ngày sau đó. Tuy nhiên, bệnh có tỷ lệ tử vong thấp chỉ từ 1-4%, virus có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 độ C.
Tương tự như các chủng cúm khác, người mắc virus cúm A H1N1 cũng có các triệu chứng sau: Sốt cao thường trên 38 độ C, ớn lạnh hoặc rét run, đau viêm họng, nhức đầu, đau khắp mình mẩy, đau cơ, ho khan, sổ mũi, toàn thân mệt mỏi có thể kèm nôn mửa, tiêu chảy…
Virus cúm A H1N1 khiến 50 người mắc và 2 trường hợp tử vong nguy hiểm như thế nào?
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo: Để phòng chống cúm A(H1N1), người dân thực hiện các biện pháp đối với cúm mùa thông thường. Cụ thể, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Tránh tối đa hành động đưa tay lên dụi mắt, ngoáy mũi, khi ho hắt hơn phải che miệng và mũi; không khạc nhổ bừa bãi. Mỗi ngày sử dụng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý để vệ sinh đường mũi, họng, mắt. Người khỏe mạnh tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm. Người bị bệnh cũng cần có ý thức chủ động bảo vệ bản thân, phòng tránh lây bệnh cho người khác.
Đảm bảo chế độ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày, tăng cường rau xanh, trái cây giàu vitamin C. Thường xuyên lau dọn nhà cửa, sử dụng các chất tẩy rửa để lau sạch nền nhà, đồ dùng, vật dụng mà người bệnh thường sử dụng. Giữ không khí trong phòng làm việc và nơi ở thoáng mát. Ngoài ra, người dân có thể đi tiêm vắc xin phòng bệnh.
Khi có các dấu hiệu bất thường nghi ngờ nhiễm cúm, hãy chủ động cách ly bằng cách đeo khẩu trang và tìm gặp bác sĩ để được thăm khám xử lý và tư vấn phòng tránh lây lan bệnh ra cộng đồng.
Theo baosuckhoecongdong.vn

 

Ngày viết: